Sự tha hóa quyền lực và con dốc đặc quyền đặc lợi
Sự tha hóa quyền lực dẫn đến hiện tượng cán bộ từ đỉnh cao quyền lực dễ trượt dài trên con dốc chủ nghĩa cá nhân bởi những căn bệnh đặc quyền đặc lợi, vinh thân phì gia đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra từ rất sớm, ngay từ những ngày đầu non trẻ của nhà nước. Thế nhưng trong giai đoạn hiện nay, trước tác động của mặt trái cơ chế thị trường, những căn bệnh ấy đã và đang xuất hiện trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên…
Nhức nhối những điều trông thấy
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã định vị những căn bệnh ấy trong các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị với biểu hiện thứ 9: “Vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”. Nó cũng nằm trong các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, trong đó có biểu hiện thứ 8: “Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội… Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.
Soi vào thực tiễn vừa qua, đáng buồn thay có rất nhiều câu chuyện vi phạm. Vụ việc hàng loạt thí sinh là con các cán bộ lãnh đạo ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn sửa điểm thi để đỗ vào đại học gây bức xúc dư luận, mang bóng dáng một vụ tham nhũng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công bằng xã hội và tương lai đất nước. Rồi đây sự việc sẽ được điều tra, làm rõ nhưng chắc chắn không thể không có sự liên quan trách nhiệm của những cán bộ là cha mẹ của học sinh.
Vụ án Trịnh Xuân Thanh được phát hiện từ lỗ hổng đặc quyền đặc lợi khi ông Thanh đi chiếc xe Lexus 570 biển xanh giả rồi lộ ra lỗ hổng chạy chức, chạy quyền để được quy hoạch, luân chuyển sai quy định mặc dù trước đó dính vào tham nhũng nghiêm trọng. Từ vụ việc này, hiệu ứng domino hé lộ hàng loạt sai phạm từ Bộ Công Thương với rất nhiều sai phạm trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp… Trong đó, ông Vũ Huy Hoàng đãtiếp nhận, bổ nhiệm và điều động con trai là ông Vũ Quang Hải tham gia Hội đồng quản trị và giữ chức Phó tổng giám đốc Tổng công ty Rượu-Bia-Nước giải khát Sài Gòn; vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng. Một báo cáo của Thanh tra Chính phủ năm 2018 còn cho biết, có năm ông Vũ Huy Hoàng đi công tác nước ngoài 163 ngày, chiếm hơn nửa thời gian làm việc trong năm khiến dư luận càng đặt dấu hỏi về trách nhiệm công bộc của ông đối với công việc.
Năm 1987, dư luận chấn động trước bài báo “Sự thật về nhà ở của đồng chí Tô Duy” đăng trên Báo Quân đội nhân dân, phản ánh việc một vị cán bộ hàm tương đương bộ trưởng chiếm dụng diện tích nhà ở quá tiêu chuẩn. Thế nhưng về sau này, ngày càng nhiều những vụ việc cán bộ lãnh đạo giữ đặc quyền đặc lợi, thậm chí không chịu trả nhà công vụ, trả xe sau khi đã nghỉ hưu.
Bức xúc nhất có lẽ phải kể đến hiện tượng lạm dụng đặc quyền đặc lợi để tham nhũng quyền lực, tham nhũng trong xin-cho các dự án đầu tư, biến cổ phần hóa thành “chia phần hóa”… Có rất nhiều trường hợp dựa vào “con ông cháu cha” hoặc các quan hệ để thăng tiến thần tốc, cướp đi cơ hội phát triển bình đẳng của bao nhiêu cán bộ, đảng viên chân chính. Những năm vừa qua, đã có nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận, như: Vụ hotgirl Quỳnh Anh ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa; vụ bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng, 26 tuổi, quê ở Bắc Ninh đảm nhiệm chức vụ phó vụ trưởng khi ông này không làm việc tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, không nhận lương và đang đi du học tự túc tại Nhật Bản; vụ Lê Phước Hoài Bảo, sinh năm 1985 (con trai ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) nhận được nhiều ưu ái, thăng tiến thần tốc sai quy định, trở thành giám đốc sở trẻ nhất nước; gần đây, vụ con gái của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang là Vương Mai Trinh (31 tuổi) được bổ nhiệm thần tốc đảm nhiệm chức vụ Phó chánh văn phòng Thành ủy Long Xuyên sai quy định nên Bộ Nội vụ đã yêu cầu hủy kết quả tuyển dụng…
Bài học đắt giá từ lời cảnh báo của V.I.Lênin
V.I.Lênin từng cảnh báo về 3 loại kẻ thù nguy hiểm đe dọa đến sự tồn vong của nước Nga Xô viết sau Cách mạng Tháng Mười là: Tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa, nạn mù chữ và nạn hối lộ. Thế mà những điều đó lại xảy ra đúng như ông tiên liệu.
Sau Cách mạng Tháng Mười, chiến tranh và nạn đói đe dọa nghiêm trọng đối với chính quyền Xô viết non trẻ. “Rồi sẽ có bánh mì và sẽ có tất cả”-câu nói của Vasili trong bộ phim “Lênin trong Tháng Mười” trở thành câu nói thịnh hành một thời ở Liên Xô. Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật. Năm 1918, chính quyền Xô viết gặp phải cuộc khủng hoảng lương thực. Tại một cuộc họp của UBND, Churuva, Ủy viên nhân dân phụ trách vấn đề lương thực, bất ngờ bị ngất xỉu vì đói! Là quan chức cao nhất phụ trách lương thực, ông có thể điều động hàng chục triệu tấn lương thực, nhưng bản thân lại bị đói. Ngay sau đó, Lênin kiến nghị xây dựng nhà ăn điều dưỡng để bảo đảm cho những đồng chí như Churuva. Nhà ăn điều dưỡng do Lênin khởi xướng về sau dần mở rộng thành cửa hàng cấp đặc biệt, rồi biến tướng trở thành nơi dành cho cán bộ đặc biệt cao cấp, nơi ê hề rượu Pháp, Scotland, thuốc lá thơm Mỹ, chocolate Thụy Sĩ, cà phê Italy, giày da của Áo, len dạ Anh… Báo chí đã nói công khai rằng, đối với những nhân vật thuộc tầng lớp trên thì chủ nghĩa cộng sản đã được xây xong từ lâu! Chỉ riêng Moscow đã có hơn 100 cửa hàng như vậy. Đó là nơi dành cho tầng lớp đặc quyền.
Dưới thời Tổng Bí thư Brezhnev, con cái tầng lớp đặc quyền chỉ cần dựa vào bố mẹ là có thể dễ dàng được vào học tại những trường đại học tốt nhất. Sau khi tốt nghiệp lại được nhận vào các ban, ngành ưu việt nhất, được thăng tiến thần tốc. Có chức ắt có quyền, có đặc quyền nên nạn mua quan bán chức ngày càng nở rộ. Nạn đặc quyền đặc lợi đã làm tổn hại nghiêm trọng thanh danh của chủ nghĩa xã hội (CNXH), tạo ra hố ngăn cách lớn trong xã hội. Người dân bình thường tự gọi mình là “chúng ta”, còn gọi những lãnh đạo cấp cao là “bọn họ”. Dưới thời Gorbachev, tầng lớp đặc quyền không chỉ tìm mọi cách nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ cá nhân, mà còn mong muốn chiếm hữu lâu dài mọi đặc quyền cho con cháu đời sau. Họ nhận ra để hợp pháp hóa các đặc quyền thì chỉ có chế độ chủ nghĩa tư bản (CNTB) mới thích hợp nhất để hợp pháp hóa những lợi ích hiện có của họ. Thế là họ không ngần ngại lột bỏ mặt nạ, công khai thúc đẩy xóa bỏ CNXH, đi theo con đường của CNTB. Họ lợi dụng sự hỗn loạn về thương mại hóa, thị trường hóa, kinh tế tự do hóa do Gorbachev tiến hành để làm một cuộc lật bài kinh tế, trực tiếp chiếm đoạt tài sản nhà nước thành tài sản riêng. Một bộ phận đó sau này trở thành những ông trùm tài chính mới. Một bộ phận khác không chỉ vơ vét mà còn tiếp tục nắm giữ những cương vị cao, kiểm soát quyền lực của nhà nước với 75% số quan chức bên cạnh tân tổng thống; 57,1% lãnh tụ những chính đảng mới và 73,4 % trong số những quan chức của chính phủ mới.
Không để bệnh đặc quyền đặc lợi băng hoại niềm tin
Từ điển Tiếng Việt giải thích: “Đặc quyền đặc lợi là quyền lợi đặc biệt chỉ dành riêng cho một người hay một nhóm, một tầng lớp nào đó được hưởng mà những người bình thường khác không thể có được”. Đặc quyền đặc lợi khoét sâu thêm khoảng cách “quan-dân”, hình thành các đẳng cấp xã hội, làm sâu thêm những bất công, làm giảm động lực phấn đấu của cán bộ, công chức, gia tăng tình trạng xin-cho, chạy chức, chạy quyền, nạn hối lộ, đút lót và nghiêm trọng nhất là suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; thậm chí khiến dân khinh, dân ghét lãnh đạo.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhìn ra và cảnh báo những căn bệnh nguy hiểm từ sự tha hóa quyền lực nói trên. Ngày 17-10-1945, trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng đăng trên Báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ ra các thói xấu cần phải lên án, như: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Người chỉ rõ: “Ǎn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra? Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô, các cậu ủy viên, cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?”. Rồi hiện tượng con quan thì lại làm quan, “cài cắm” người nhà vào các vị trí lãnh đạo, ưu tiên tuyển dụng người thân, ghen ghét, đố kỵ người tài là một vấn nạn trong không ít cơ quan hành chính thời bấy giờ: “Kéo bè kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này, chức nọ. Người có tài, có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài”, “bênh vực lớp này, chống lại lớp khác”.
Từ Đại hội VI khởi xướng sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã nhìn nhận rõ nguy cơ của bệnh đặc quyền đặc lợi và xác định: Trong tư tưởng cũng như hành động, phải triệt để chống tham nhũng, chống đặc quyền đặc lợi. Đại hội IX của Đảng chỉ ra: Cải cách cơ bản chế độ tiền lương, nâng cao đời sống người hưởng lương, chống đặc quyền đặc lợi. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: Xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm”; chống đặc quyền đặc lợi, khắc phục “tư duy nhiệm kỳ”; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải cách chính sách tiền lương, thu nhập, chính sách nhà ở, bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức…
Phát biểu tại một hội nghị về công tác dân vận gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại những bài học kinh nghiệm từ lịch sử dân tộc: “Sở dĩ triều Hậu Trần suy vong là do các vua quan Hậu Trần không thực hiện đúng chính sách “thân dân”, “làm kế sâu rễ bền gốc”; họ chỉ lo cuộc sống xa hoa, quyền lợi ích kỷ của mình, bỏ “mặc dân khốn khổ”, “muôn dân oán giận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng thẳng thắn chỉ rõ, hiện nay: Một số hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh. Do đó làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng… Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội. Có lẽ đây là điều mất mát lớn nhất trong tình cảm của nhân dân, là điều người dân cảm thấy xót xa, buồn phiền nhất…
Thực tế đó cho chúng ta thấy, kiên quyết đấu tranh với những thói hư tật xấu ấy phải trở thành mệnh lệnh của cuộc sống, phải trở thành một trong những việc cần làm ngay với Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị hiện nay. Ngoài việc phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật những hành vi sai phạm thì trong Đảng, phải duy trì nghiêm các quy định về nêu gương, thực hiện những điều cấm đảng viên không được làm. Phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật và hình thành cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, không để tồn tại tham nhũng quyền lực, lợi ích nhóm và nạn đặc quyền đặc lợi… làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đưa họ trượt dài trên con dốc tha hóa.