Hiểu thế nào là “Tự do tôn giáo ở Việt Nam”
Thời gian gần đây tiếp tục xuất hiện nhiều thông tin sai lệch, tiêu cực, đánh giá phiến diện về tình hình hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam.
Trong các báo cáo tự do tôn giáo của một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam gần đây đã đưa ra nhiều thông tin sai lệch, vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, vi phạm quyền “tự do tôn giáo” của người dân. Họ cho rằng Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục hạn chế các hoạt động có tổ chức của nhiều tôn giáo, thậm chí có hành động đàn áp một số tín đồ tôn giáo. Bên cạnh đó, còn một bộ phận nhỏ chức sắc, tín đồ của một số tôn giáo cho rằng họ không được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; rêu rao rằng ở Việt Nam không có tự do tôn giáo, Nhà nước Việt Nam xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của giáo hội…
Có thể khẳng định rằng, đây không chỉ là những nhận thức sai lệch, mà xuất phát từ âm mưu đen tối, lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Thực tế hiện nay, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam khá sôi động, đa dạng với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, tổ chức tôn giáo và mô hình tổ chức tôn giáo. Điều này thể hiện qua số lượng tín đồ không ngừng tăng với khoảng 26 triệu người theo các tôn giáo khác nhau, chiếm 27% dân số. Nhưng quan trọng hơn là các tôn giáo chân chính được tự do hành lễ, dù ở nhà riêng hay các nơi thờ tự; được tạo điều kiện cho mở mang cơ sở vật chất, tu sửa nơi thờ tự, được mở các trường đào tạo những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển của Giáo hội, được Nhà nước tạo điều kiện phát triển các quan hệ giao lưu quốc tế…
Không thể nói “không có tự do tôn giáo” khi hiện nay ở Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân, 60 cơ sở đào tạo tôn giáo thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa hảo; có 12 báo, tạp chí liên quan tôn giáo, phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có webside riêng. Trong những năm qua, có hơn 3.000 ấn phẩm liên quan đến tôn giáo được xuất bản với hơn 10 triệu bản in, hàng triệu CD, DVD bằng nhiều ngôn ngữ; nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam như: Kỷ niệm 500 năm Cải chánh đạo Tin lành (năm 2017), Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak (năm 2019), Tổng hội dòng Đa Minh thế giới (năm 2019)… Điều đáng nói là, tự do tôn giáo ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được bảo đảm. Năm 2017, Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ; ở Bình Phước và Tây Nguyên, có 33 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành đang hoạt động… Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động đã xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo đậm chất nhân văn tôn giáo và trách nhiệm với đất nước, dân tộc.
Như vậy, những minh chứng trên khẳng định Việt Nam luôn tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; chưa bao giờ có chủ trương cản trở hoạt động tôn giáo bình thường của nhân dân, lại càng không hề có sự kỳ thị, chèn ép, phân biệt đối xử, cấm đoán quyền tự do tôn giáo của công dân. Tất cả các tín đồ tôn giáo, chức sắc, chức việc, các giáo hội, giáo phận… ở Việt Nam đều thừa nhận quyền tự do này luôn được Nhà nước tôn trọng. Đây là một thực tế không thể xuyên tạc!
(BBT)