TỰ DO HỌC THUẬT CẦN PHẢI PHÙ HỢP VỚI CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CỦA XÃ HỘI VÀ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT!

Đổi mới giáo dục theo hướng phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ta. Tuy nhiên, lợi dụng việc thực hiện chủ trương đổi mới trong giáo dục của nước ta, trang mạng BBC tiếng Việt đã đăng tải bài viết: “Ở Việt Nam, tự do học thuật chỉ là bánh vẽ” với nội dung cho rằng: “Việt Nam vẫn nằm trong nhóm có thứ hạng thấp về tự do học thuật, khi giáo dục luôn gắn liền với chủ trương, đường lối và lập trường của Đảng Cộng sản”. Đây là luận điệu sai trái, hết sức nguy hiểm, nhằm tách giáo dục ra khỏi chính trị, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng.

Như đã biết, giáo dục là công cụ sắc bén nhất để bảo vệ chính trị, là vấn đề được quan tâm hàng đầu, tác động trực tiếp đến sự tồn tại, phát triển của một quốc gia, dân tộc. Giáo dục cùng với hệ thống pháp luật làm cho hệ tư tưởng của giai cấp thống trị trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong xã hội. Nhìn lại lịch sử xã hội loài người, mỗi chế độ xã hội có một nền giáo dục tương ứng, phục vụ giai cấp lãnh đạo và lợi ích của xã hội. Nếu nền giáo dục đi ngược lại điều đó sẽ không tồn tại và phát triển được. Không có giai cấp cầm quyền nào cổ súy và tiếp nhận những tư tưởng, việc làm để phát triển nền giáo dục đứng ngoài chính chị và lật đổ giai cấp cầm quyền.

Nền giáo dục ở Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, gắn với chế độ xã hội chủ nghĩa. Bằng các quy định hiện hành, pháp luật Việt Nam vẫn đặt cơ sở pháp lý cho sự phát triển và bảo đảm tự do học thuật. Khoản 11, Điều 1 Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định “Quyền tự chủ là quyền của cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học”. Khoản 7, Điều 55 của Luật này cũng quy định: Giảng viên có quyền “độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên nguyên tắc phù hợp với lợi ích của Nhà nước và xã hội”.

Tự do học thuật ở Việt Nam cần được hiểu là việc người dạy và người học có quyền lựa chọn những vấn đề nghiên cứu, phương pháp giảng dạy và học tập phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực đạo đức của con người mới xã hội chủ nghĩa và quy định của pháp luật Việt Nam vì mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam; phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong thời gian qua, học sinh Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tích ấn tượng trên các đấu trường quốc tế. Chẳng hạn kết quả các đợt thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2023, các đội tuyển Việt Nam đã đạt thành tích vượt trội với tổng số 32 Huy chương (với 8 vàng, 12 bạc, 12 đồng) và 4 Bằng khen. Tại các trường đại học, nội dung, phương pháp và chương trình đào tạo giảng dạy thường xuyên được đổi mới, đào tạo nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng cho thị trường lao động trong nước và quốc tế. Kết quả trên đã góp phần cải thiện thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng quốc gia về giáo dục.

Tóm lại, thực chất âm mưu “thúc đẩy tự do học thuật” mà các thế lực thù địch rêu rao là nhằm đặt giáo dục ra ngoài chính trị, với mục tiêu sau cùng là phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, phá hoại văn hóa và truyền thống của dân tộc Việt Nam, làm cho giáo dục không thể thực hiện được chức năng giáo dục nhân cách, chức năng định hướng tư tưởng, xây dựng niềm tin cho người học. Chính vì vậy, mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là những người làm công tác giáo dục cần phải hết sức tỉnh táo, nhận diện, vạch trần và đấu tranh bác bỏ để công cuộc đổi mới nền giáo dục Việt Nam đi đúng hướng.

NA.HX

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *