Tự do tôn giáo không có nghĩa là được ngồi xổm trên pháp luật!

Mới đây, Công an quận Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng để điều tra, xử lý. Thông tin này được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ. Bởi lẽ, theo thống kê của các cơ quan chức năng, đến trưa ngày 31/5, số ca nhiễm COVID-19 liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là 142 người, và đã tạo thêm một ổ dịch nhỏ ở quận Tân Phú. Hiện, quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (Quận 12) của TP. Hồ Chí Minh đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương còn lại của TP. Hồ Chí Minh thực hiện cách ly, giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 31/5/2021. Thiệt hại về kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân là vô cùng to lớn.

Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân

Trước hết, cần phải khẳng định rằng tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo là chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Chính sách này đã được cụ thể hóa bằng pháp luật và bảo đảm trên thực tế. Điều 24 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Thực tế thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật này. Hiện nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với hơn 55.000 chức sắc, 145.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự. 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; có hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hằng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân; đặc biệt, nhiều hoạt động, sự kiện tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam trong thời gian qua như: Kỷ niệm 500 năm Cải chánh đạo Tin lành (năm 2017), Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak (năm 2019), Tổng hội dòng Đa Minh thế giới (năm 2019)…

Nhưng tự do tôn giáo không có nghĩa là được ngồi xổm trên pháp luật!

Tuy nhiên, trong lúc tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp với hơn 170 triệu ca mắc và 3,5 triệu ca tử vong trên khắp thế giới thì cùng với các hoạt động khác, hoạt động tôn giáo cần chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh. Tại Việt Nam, Đảng, Chính phủ ta đã và đang quyết liệt chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống, dịch, trong đó yêu cầu người dân tránh tụ tập đông người, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu, khuyến cáo của chính quyền, cơ quan chức năng, hạn chế tổ chức các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo có đông người tham dự, chuyển sang tổ chức sinh hoạt, hoạt động tôn giáo trực tuyến; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, chỉ đạo chức sắc, chức việc, tín đồ nghiêm túc, tự giác và tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch… Thế nhưng, bất chấp những chỉ thị, khuyến cáo nêu trên, Hội thánh truyền giáo Phục Hưng vẫn ngang nhiên tụ tập hoạt động, không chấp hành quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 dẫn đến lây lan dịch bệnh cho nhiều người. Có lẽ số người mắc bệnh liên quan đến ổ dịch của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng không dừng lại ở con số 142 người mà sẽ còn tăng cao trong những ngày tiếp theo. Câu hỏi đặt ra lúc này là, lẽ nào những tín hữu này cho rằng COVID-19 không lây lan trong cộng đồng giáo dân? Lẽ nào họ không hiểu rằng, trong tình hình hiện nay, giá trị trước nhất và cao nhất của nhân quyền chính là sinh mạng con người được bảo vệ? Sự việc xảy ra ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng làm chúng ta liên tưởng đến giáo phái Tân Thiên Địa của Hàn Quốc khiến dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở đất nước này vào cuối tháng 02/2020 với hơn 5.200 ca nhiễm virus corona chủng mới, bao gồm khoảng 4.000 tín đồ, chiếm 36% tổng số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc liên quan đến giáo phái này. Đây là những con số có sức ám ảnh kinh hoàng với bất kỳ ai nếu họ còn biết trân quý giá trị sinh mạng của bản thân và cộng đồng. Tuy nhiên, có lẽ điều này lại không hề có chút giá trị, tác động gì đối với các tín hữu của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng nên mới dẫn đến sự việc trên.

Theo khoa học thì chỉ có thực hiện các biện pháp cách ly, điều trị và kiểm soát dịch một cách nghiêm túc nhất thì mới có thể làm giảm nguy cơ lây lan trên diện rộng. Việc nhiều người phớt lờ khuyến cáo của cơ quan chức năng, tiếp tục chấp mê bất ngộ, tụ tập đông người thực hành tôn giáo, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội thì cần phải bị xử lý thích đáng. Không ai kỳ thị hay ngăn cấm các tôn giáo hoạt động nhưng tín ngưỡng, tôn giáo không bao giờ được đứng cao hơn pháp luật, cao hơn lợi ích quốc gia, dân tộc!

Mộc An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *