Cần tôn trọng sự thật tự do báo chí

UBND tỉnh Phú Yên vừa tổ chức họp báo định kỳ quý 3/2019 thông tin tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh trong quý và nhiệm vụ trọng tâm trong quý đến; trả lời các nội dung phản ánh của báo chí về những sự kiện, sự việc, vấn đề được dư luận quan tâm. Tại cuộc họp báo này, đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp thu ý kiến phản ánh của các cơ quan báo chí; đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh phải thực hiện nghiêm Nghị định 09/CP của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; chủ động cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, đầy đủ, rõ ràng, chính xác, công khai…

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Có thể nói, cả hệ thống chính trị của nước ta nói chung, Phú Yên nói riêng đã và đang triển khai có hiệu quả các hoạt động báo chí, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, bao gồm cả tự do internet, mạng xã hội. Hệ thống các cơ quan báo chí của nước ta phát triển khá đồng bộ, hiện cả nước có 844 cơ quan báo chí (gồm 184 cơ quan báo in, 660 tạp chí và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập, 1 hãng thông tấn quốc gia; 67 cơ quan phát thanh, truyền hình) đã thực sự trở thành cầu nối giữa “ý Đảng – lòng dân”, tạo đồng thuận xã hội, thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hùng cường.

Thế nhưng, bằng nhiều thủ đoạn, trong chiến lược chống phá Nhà nước ta hiện nay, các thế lực thù địch trong và ngoài nước tập trung vào chống phá Đảng, chế độ và hệ tư tưởng; trong đó họ triệt để lợi dụng quyền tự do báo chí để xuyên tạc, trắng trợn vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, vi phạm “tự do ngôn luận, tự do báo chí”, nhằm gây mất ổn định chính trị – xã hội nước ta.

Các báo cáo nhân quyền thế giới hàng năm của Anh, Úc; Nghị quyết của Nghị viện EU; Báo cáo thường niên, thông cáo báo chí của các tổ chức quốc tế; Báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF)…, mặc dù không thể không thừa nhận Việt Nam đã có “tiến bộ về dân chủ, nhân quyền”, nhưng vẫn cố tình đưa ra những nhận định, đánh giá một cách sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam, hòng hạ thấp uy tín nước ta trên trường quốc tế.

Mới đây, Ủy ban Bảo vệ Ký Giả (CPJ) ra báo cáo nói Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia “kiểm duyệt báo chí nhiều nhất”, đã xuyên tạc, vu cáo Việt Nam không có “tự do báo chí”…

Chúng ta cần nhận diện rõ bản chất của những luận điệu xuyên tạc nói trên là “bổn cũ soạn lại” để cố tình can thiệp thô bạo, phi lý vào tình hình nội bộ tại Việt Nam, cố tình cổ súy cho các phần tử xấu chống Đảng, Nhà nước ta, cố tình gây “bất ổn xã hội”. Qua đó cần lật tẩy những mưu đồ “tự do báo chí” chống lại Nhà nước ta của các thế lực thù địch.

Cho đến nay, hành lang pháp luật về báo chí của Nhà nước ta bảo đảm đầy đủ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của nước ta đã khẳng định người dân có quyền tự do báo chí và được pháp luật đảm bảo thực hiện. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình…”; Chương II Luật Báo chí năm 2016 đưa ra những quy định cụ thể quyền này.

Tuy nhiên, tự do ngôn luận, tự do báo chí không có nghĩa phải là vô hạn. Cũng giống như mọi lĩnh vực hoạt động khác của xã hội, hoạt động báo chí luôn phải đáp ứng yêu cầu thượng tôn pháp luật, tôn trọng sự thật, tôn trọng cộng đồng, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc. Điều 9 Luật Báo chí năm 2016 quy định cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động báo chí để hạn chế các hành vi lạm quyền của báo chí, sử dụng báo chí đăng tải nội dung xấu độc, tiêu cực, làm phương hại đến Nhà nước, nhân dân, tổ chức chính trị – xã hội…

Tự do ngôn luận, tự do báo chí đối với các chế độ xã hội và nhà nước là một điều kiện bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Và tự do báo chí chính là tự do thực hành chân lý và phải tuân thủ pháp luật. Do vậy, mọi luận điệu xuyên tạc, mọi hành động lợi dụng tự do báo chí nhằm phục vụ cho mưu đồ xấu, bóp méo sự thật, vi phạm dân chủ đạo đức, coi thường pháp luật,… cần phải quyết liệt đấu tranh ngăn ngặn, bác bỏ, lên án và nghiêm trị!

NGUYÊN LƯU

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.