Kiên quyết bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về đường lối phát triển kinh tế đất nước
Trước các sự kiện chính trị lớn của đất nước, nhất là trước thềm các kỳ Đại hội của Đảng, các thế lực thù địch thường ráo riết chống phá Đảng, Nhà nước ta trên mặt trận tư tưởng lý luận. Trong đó, những luận điệu sai trái, phủ nhận tính đúng đắn, khoa học của đường lối phát triển kinh tế do Đảng ta xác định xuất hiện với mật độ, phạm vi ngày càng dày và rộng. Cần kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái này.
Về luận điệu đòi xóa bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở nước ta
Thời gian gần đây, các thế lực thù địch gióng lên luận điệu đòi xóa bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa trong Cương lĩnh, đường lối của Đảng ta. Trong rất nhiều luận điệu đó, nổi lên là phủ nhận cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong quá trình phát triển kinh tế thị trường ở nước ta. Họ cho rằng, kinh tế thị trường không thể gắn với định hướng xã hội chủ nghĩa, hai thực thể này không thể song hành cùng nhau; kinh tế thị trường là tự do, hãy để nó hoạt động tự do. Đây là một luận điệu hoàn toàn sai trái.
Tổng kết toàn diện 30 năm đổi mới, Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nêu rõ: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”(1). Chúng ta có đầy đủ cơ sở khoa học để khẳng định tính tất yếu, tính đúng đắn, sáng tạo của đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Về lý luận, kinh tế thị trường là bước phát triển cao của kinh tế hàng hóa, dựa vào thị trường để vận động và phát triển. Vào giữa thế kỷ XIX, trong học thuyết kinh tế về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã dùng khái niệm “kinh tế tiền tệ” để đối lập với kinh tế “tự nhiên”. Ph. Ăng-ghen khẳng định “Chính từ đó mà nền kinh tế tiền tệ, đang phát triển, đã thâm nhập, giống như một chất a-xít ăn mòn, vào lối sống cổ truyền của các cộng đồng nông thôn, dựa trên cơ sở nền kinh tế tự nhiên”(2). Kinh tế hàng hóa, hay kinh tế tiền tệ phản ánh quá trình phát triển của sản xuất và trao đổi hàng hóa. Nó là một hệ thống kinh tế tồn tại khách quan dựa trên trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và trở thành một bộ phận quan trọng của quan hệ sản xuất tương ứng. Kinh tế hàng hóa không phải là kiểu tổ chức kinh tế do con người tạo ra bằng ý chí chủ quan của mình, mà hình thành một cách khách quan trong các hoạt động kinh tế của xã hội loài người. Chủ nghĩa tư bản đã kịp thời nắm bắt, tận dụng triệt để kinh tế thị trường để phát triển rồi thích nghi và tồn tại. Như vậy có thể khẳng định rằng, kinh tế thị trường không phải là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản mà nó là sản phẩm của nền văn minh nhân loại, ra đời trên cơ sở phân công lao động xã hội và sự tách biệt tương đối về kinh tế của những người sản xuất, gốc rễ của vấn đề đó chính là sự xuất hiện của chế độ tư hữu.
Sự ra đời của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn liền với sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Ban đầu là đường lối phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ Đại hội VI đến nay, Đảng ta luôn khẳng định: “Sản xuất hàng hóa không đối lập với chủ nghĩa xã hội mà là thành tựu của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”(3). Phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vừa là sự lựa chọn phù hợp với xu hướng phát triển khách quan của thời đại, vừa là sự tiếp thu các giá trị truyền thống của đất nước và những thành tựu cả về lý luận và thực tiễn trong các giai đoạn phát triển của đất nước. Đây cũng là sự trùng hợp giữa quy luật khách quan với mong muốn chủ quan, giữa tính tất yếu thời đại với lô-gic tiến hoá nội sinh của dân tộc. Như vậy, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tồn tại khách quan trong suốt thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.
Mục tiêu của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta nhằm thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; phát triển kinh tế nhiều thành phần trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức sở hữu nhưng dựa trên cơ sở chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất chủ yếu; đa dạng hóa các hình thức phân phối, trong đó phân phối theo lao động là đặc trưng cơ bản nhất. Đảng xác định làm cho chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của nhân dân. Vì vậy, tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường còn thể hiện ở chỗ tăng trưởng kinh tế phải đi đôi thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Luận điệu tuyệt đối hóa kinh tế tư nhân, phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước
Cùng với đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, các thành phần kinh tế đã cùng nhau phát triển. Kinh tế tư nhân được Nhà nước chú trọng hỗ trợ bởi các quyết sách, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế nhà nước, trong quá trình phát triển bên cạnh những thành tựu nổi bật cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Thực tế này, làm xuất hiện luận điệu trái chiều là tuyệt đối hóa kinh tế tư nhân, phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Kinh tế tư nhân được hình thành trên cơ sở chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Trong gần 35 năm đổi mới, kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển, trở thành lực lượng kinh tế lớn mạnh, đóng vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế, góp phần to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Số liệu năm 2019 cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang chiếm 42% GDP và tạo ra 83% việc làm cho người lao động.
Thực tiễn ở các nước tư bản phát triển cho thấy, kinh tế tư nhân bao giờ cũng đóng vai trò chủ đạo, chi phối. Vậy, tại sao trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, kinh tế tư nhân không thể và không bao giờ đóng vai trò chủ đạo? Điều này thuộc về đặc trưng bản chất của chế độ, chủ trương, định hướng phát triển và những vấn đề nội tại của kinh tế tư nhân.
Đặc trưng về kinh tế của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng so với các chế độ xã hội khác đó là có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu. Trong xã hội tư bản, chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa giữ vai trò thống trị của quan hệ sản xuất, là cơ sở nảy sinh những bất bình đẳng về kinh tế và áp bức về xã hội. Bỏ qua việc xác lập địa vị trí thống trị của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, từng bước xây dựng quan hệ sản xuất mới dựa trên cơ sở của chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu thể hiện rõ tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng.
Chủ trương phát triển kinh tế tư nhân gắn liền với đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là đúng đắn, hợp quy luật. Kinh tế thị trường phát triển với trình độ cao dưới chủ nghĩa tư bản, song không đồng nhất với chủ nghĩa tư bản và cũng không đối lập với chủ nghĩa xã hội. Kinh tế tư nhân là một chủ thể quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế thị trường, và không có khu vực kinh tế tư nhân thì sẽ không có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Tuy nhiên, tự thân khu vực kinh tế tư nhân không giúp khắc phục những khiếm khuyết của thị trường và do đó không thể gắn sứ mệnh là chủ thể dẫn dắt, có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế đối với khu vực kinh tế này.
Với thành phần kinh tế nhà nước, trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 - 2020, Đảng ta khẳng định: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”(4). Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”(5). Trên các phương diện kinh tế, chính trị và xã hội đều khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt các hoạt động của nền kinh tế.
Kinh tế nhà nước dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất; là chế độ sở hữu phù hợp với xu hướng xã hội hóa của lực lượng sản xuất. Thành phần kinh tế nhà nước có sức mạnh kinh tế các nguồn lực vật chất của nhà nước, từ doanh nghiệp nhà nước; sức mạnh kinh tế đứng sau các chính sách và hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước, sức mạnh từ sự cộng hưởng giữa hệ thống doanh nghiệp nhà nước, tài chính nhà nước, luật pháp và hiệu lực quản lý của Nhà nước. Với sức mạnh to lớn đó, kinh tế nhà nước có khả năng tạo ra các điều kiện vật chất, làm đầu tàu kéo các thành phần kinh tế khác, thúc đẩy nền kinh tế vận hành và phát triển. Kinh tế nhà nước là lực lượng bảo đảm cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế; là lực lượng có khả năng can thiệp, điều tiết, hướng dẫn, giúp đỡ và liên kết, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác cùng phát triển. Kinh tế nhà nước còn đảm nhận các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có tính chiến lược đối với lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn, những lĩnh vực mũi nhọn, có hệ số rủi ro cao mà các thành phần kinh tế khác kể cả kinh tế tư nhân không có khả năng.
Kinh tế nhà nước còn là cơ sở để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển. Bởi vì, Nhà nước ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước công nông, nhà nước của những người lao động. Để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, cần thiết phải khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và thành phần này phải ngày càng phát triển trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Nếu không củng cố và tăng cường vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước thì không thể nói tới định hướng, giữ vững, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ngoài ra, do bản chất về mặt sở hữu nên kinh tế nhà nước gánh vác chức năng và vai trò xã hội to lớn. Điều này thể hiện ở chỗ, các doanh nghiệp nhà nước đảm nhận những ngành ở những địa bàn khó khăn, thực hiện sự bảo đảm cân bằng về đầu tư phát triển theo vùng, miền, đảm nhận các ngành sản xuất hàng hóa công cộng thiết yếu. Đi đầu trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, gắn tăng trưởng với tiến bộ và công bằng, phát triển nhanh với phát triển bền vững là thước đo để đánh giá sự “chủ đạo”, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác của kinh tế nhà nước.
Thực tế, giai đoạn 2011 – 2020, thành phần kinh tế nhà nước thực sự giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt định hướng nền kinh tế quốc dân trong phát triển kinh tế – xã hội đã đóng góp gần 30% tăng trưởng kinh tế, 1/3 đầu tư toàn xã hội; đã và đang trực tiếp nắm giữ tỷ trọng đa số hoặc có vị trí chi phối một số ngành, lĩnh vực nền tảng của nền kinh tế, có đóng góp quyết định để xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cần thiết cho hoạt động kinh doanh của các thành phần kinh tế và phát triển kinh tế – xã hội mà các thành phần kinh tế khác chưa làm được… Tuy nhiên, kinh tế nhà nước vẫn còn những hạn chế, yếu kém nhất định như: Hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng suất của một số tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước còn thấp; sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu, thất thoát và thua lỗ còn lớn; tình trạng đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, độc quyền doanh nghiệp đang hiện hữu… Những yếu kém trên diễn ra trong trong khâu tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh bắt nguồn từ những sai lầm, yếu kém của một số cá nhân lãnh đạo và nhà quản trị doanh nghiệp,… chứ không phải là sai lầm về quan điểm, chủ trương kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Vậy nên, một số luận điệu cho rằng phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam không nên để thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo mà hãy để kinh tế tư nhân dẫn dắt, định hướng, kiểu như ở các nước tư bản là hoàn toàn sai trái. Đây là mưu đồ của các thế lực thù địch, sâu xa họ muốn phá hoại thành quả cách mạng, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Về luận điệu cổ súy cho việc thực hiện sở hữu tư nhân hoặc đa dạng hóa hình thức sở hữu đất đai
Đất đai là tài nguyên thiên nhiên, tài sản quốc gia vô cùng quý giá, tư liệu sản xuất đặc biệt, nguồn lực quan trọng của đất nước. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhưng, có những luận điệu cho rằng, quan điểm về sở hữu đất đai như trên là thiếu thuyết phục, áp đặt, khiên cưỡng nên cần thực hiện sở hữu tư nhân hoặc đa sở hữu về đất đai.
Tư hữu hóa hoặc đa dạng hóa hình thức sở hữu đất đai sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Cần nhận thức rõ rằng: Trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đòi hỏi phải chuyển một lượng diện tích đất nông nghiệp vào mục đích phi nông nghiệp, nếu thực hiện tư hữu hoặc đa dạng hóa hình thức sở hữu đất đai sẽ là rào cản thực sự cho quá trình này; việc thực hiện sở hữu tư nhân dẫn đến quá trình tích tụ, tập trung đất đai vào tay một số ít người, đi ngược lại với lợi ích mà chế độ ta đang xây dựng, ngược lại với nguyện vọng của quần chúng nhân dân đứng lên làm cách mạng, “Đảng Cộng sản cầm quyền, tổ chức ra Chính phủ công nông, nông, binh, phát ruộng đất cho dân cày, giao công xưởng cho thợ thuyền…”(6). Nếu thực hiện chế độ sở hữu tư nhân đất đai, dù Nhà nước có thể giữ lại quyền quy hoạch mục đích sử dụng từng thửa đất và ràng buộc “chủ sở hữu đất” thực hiện một số quy định vì môi trường sống chung, nhưng không ai có thể ngăn cản người chủ đất sử dụng đất theo ý họ, khi đất là tài sản riêng của họ. Lý do này còn khiến đất đai có xu hướng được sử dụng không hiệu quả, không vì mục đích sinh tồn của toàn dân. Mặt khác, thực hiện đa sở hữu hóa đất đai, về cơ bản giống các nước tư bản, khi đó đất đai sẽ nằm trong tay các chủ sở hữu khác nhau, đối xử thuần túy trên quan điểm lợi ích, trao đổi theo giá thị trường. Và khi đó, những hệ lụy về “địa tô” là bài học đã tồn tại hàng trăm năm ở chế độ tư bản cũng như tình cảnh người nông dân bị địa chủ bóc lột hà khắc trong chế độ phong kiến lại có cơ hội tái sinh dưới những hình thức khác nhau.
Những yếu kém, mâu thuẫn, bức xúc nảy sinh từ đất đai hiện nay không xuất phát từ vấn đề sở hữu toàn dân, mà xuất phát từ thực trạng tổ chức thực hiện, sử dụng và quản lý đất đai. Sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý là tất yếu, một mặt, phản ánh tính ưu việt của chế độ xã hội mà chúng ta xây dựng, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc của Nhà nước; mặt khác, tạo ra những điều kiện thuận lợi để Nhà nước có quyền được sử dụng như một công cụ kiến tạo chính sách, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng công cộng đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đang đến gần, các thế lực thù địch tiếp tục ráo riết chống phá, xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối phát triển trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc bác bỏ những luận điệu sai trái, kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc để khẳng định tính tất yếu thành công của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng là rất cần thiết. Với sự nở rộ của những trào lưu tư tưởng, quan điểm, học thuyết… Trong thời kỳ toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), lần nữa càng thấm thía bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”(7) vẫn còn nguyên giá trị, khẳng định sự trung thành tuyệt đối của Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của mình./.
(Theo TCCS)