Lại điệp khúc “uốn lưỡi cú diều”, xuyên tạc, nói xấu chế độ

Tuần qua, thế giới đã sửng sốt, tiếc thương sau vụ việc 39 người thiệt mạng trong container tại khu công nghiệp Waterglade, thị trấn Grays, London, Vương quốc Anh. Những luồng thông tin đa chiều, kèm theo tâm trạng tiếc thương cho những nạn nhân xấu số được chia sẻ phổ biến trong cộng đồng mạng.

39-1130258

Lợi dụng sự việc, một số phần tử cơ hội, chống đối có cái nhìn phiến diện để quy chụp, xuyên tạc Việt Nam là “quốc gia buôn bán người”, “chế độ chính trị xã hội ở Việt Nam đã khiến người dân phải bỏ quê hương mà đi”, “báo hiệu cái chết đang đến dần của chế độ xã hội chủ nghĩa”…

Không ít người dân do không nắm rõ sự việc hoặc vì tâm lý a dua cũng đã có những bình luận sai lệch, cổ suý cho luận điệu chống phá của kẻ địch. Những luận điệu “cả vú lấp miệng em”, làm rối loạn tình hình, tạo hình ảnh méo mó về chế độ, đất nước Việt Nam.

Cần tôn trọng khách quan, không xuyên tạc, bóp méo sự thật

Để nhận diện, đánh giá một sự việc, hiện tượng trong xã hội cần tôn trọng sự thật, luôn xuất phát từ hiện thực khách quan, tức là phải nhận thức hiện thực khách quan đúng với bản chất của nó. Do đó, khi xem xét, đánh giá vụ việc 39 người thiệt mạng trong container tại Vương quốc Anh, cần phải nhìn nhận đúng đắn, toàn diện vấn đề, nhất là thấy được nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân trực tiếp của sự việc.

Về diễn biến vụ việc, ngày 26-10-2019, Cảnh sát Anh thông báo đã truy tố Robinson (lái xe container đông lạnh làm 39 người tử vong) 39 tội danh gồm ngộ sát, âm mưu vận chuyển người trái phép, âm mưu hỗ trợ người nhập cư bất hợp pháp và rửa tiền. Bên cạnh đó, 3 nghi phạm khác có liên quan cũng đang bị bắt, bị điều tra.

Chiếc xe container “tử thần” đó đã đi từ nước Bỉ đến nước Anh. Những nạn nhân xấu số trên là công dân của các quốc gia khác nhau, đang thực hiện ý định nhập cư bất hợp pháp vào nước Anh – nguyên nhân sâu xa của sự việc, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của 39 nạn nhân xấu số là “ngạt thở”.

Trong số 39 nạn nhân xấu số, cuối tháng 10-2019, phía Anh đã gửi cho Việt Nam 4 hồ sơ, hiện tại lực lượng Công an Việt Nam đang tiến hành thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để làm rõ sự thật.

Trong tuyên bố đưa ra tối 1-11, cảnh sát hạt Essex cho biết, tính đến thời điểm này, họ tin rằng các nạn nhân là công dân Việt Nam. Hiện cảnh sát đang liên lạc trực tiếp với một số gia đình ở Việt Nam và Anh, đã xác định được thân nhân của một số nạn nhân.

Tuy nhiên, cảnh sát cũng cho biết chưa có bằng chứng khẳng định cần thiết để trình các trường hợp này lên Cơ quan Pháp y Hoàng gia Anh xem xét, do đó hiện không thể chính thức xác định danh tính bất kỳ nạn nhân nào.

Cảnh sát hạt Essex của Anh đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan Pháp y Hoàng gia Anh (HM Senior Coroner), cơ quan tội phạm quốc gia, cùng Chính phủ Anh và Việt Nam.

Trước thông tin xác định nạn nhân người Việt trong vụ việc trên, ngày 2-11, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, đây là một thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng.

“Chúng tôi hết sức đau lòng và xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân và mong họ sớm vượt qua những đau thương, mất mát to lớn này. Hiện Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan Cảnh sát Anh đang nỗ lực phối hợp tích cực xác minh danh tính các nạn nhân, nghi là người mang quốc tịch Việt Nam và sớm công bố thông tin.

Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi mua bán người, coi đây là tội phạm nghiêm trọng và phải bị trừng trị đích đáng. Việt Nam kêu gọi các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đẩy mạnh hợp tác phòng, chống tội phạm mua bán người, không để tái diễn những thảm kịch đau lòng tương tự.

Chúng tôi cảm ơn và đánh giá cao Chính phủ Anh, các cơ quan liên quan và địa phương của Anh đã tích cực triển khai khám nghiệm, cung cấp thông tin về nhận dạng và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam trong thời gian qua.

Chúng tôi hy vọng phía Anh sớm hoàn tất điều tra vụ việc, nghiêm trị những kẻ phải chịu trách nhiệm về thảm kịch này” – Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ.

Lời cảnh tỉnh từ “thần chết”

Đồng hành với đổi mới nền kinh tế, mở cửa, hội nhập sâu rộng, thiết lập các mối quan hệ quốc tế song phương và đa phương, Việt Nam đã và đang mở rộng quan hệ kinh tế với các nước trên thế giới.

Đến nay, đã có 103 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Theo báo cáo “Ứng viên nước ngoài: Kỳ vọng và thách thức khi làm việc tại Việt Nam” do Navigos Group vừa công bố cho biết, khi được hỏi đâu là nơi làm việc được mong muốn nhất Đông Nam Á, 30% ứng viên tham gia khảo sát lựa chọn Việt Nam, đứng đầu khu vực.

Đồng thời, Việt Nam cũng mở rộng các hoạt động đầu tư, hợp tác ra nước ngoài; trong đó, việc hợp tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (xuất khẩu lao động) đã và đang mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, lợi ích cho xã hội và quốc gia.

Hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam đang ngày càng mở rộng đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đáp ứng một phần nhu cầu về nguồn lao động của các nước, với đủ các loại hình lao động khác nhau. Hoạt động này đã tạo cho người lao động Việt Nam nhiều cơ hội làm việc, tìm kiếm được nguồn thu nhập tốt.

Tuy nhiên, một trong những sự thật đáng buồn trong xuất khẩu lao động thời gian qua là hiện tượng người lao động hết thời gian hợp đồng không trở về Việt Nam mà trốn ở lại bất hợp pháp; nhiều công ty xuất khẩu lao động “ma” trong và ngoài nước còn tồn tại; sự thiếu hiểu biết đưa đến tình cảnh một bộ phận nhân dân mất tiền, mất của vì xuất ngoại, thậm chí bỏ xác nơi xứ người.

Nhiều gia đình đã để cho con em của mình ra nước ngoài lao động một cách bất hợp pháp, ngày ngày phải sống chui, trốn lủi, vừa mất tiền, vừa không đảm bảo an toàn. Đánh đổi đồng tiền là cuộc sống khắc nghiệt nơi xứ người, nhiều người đã bị biến dạng về thể xác, ảnh hưởng tâm lý tinh thần nặng nề trong thời gian còn lại của cuộc đời.

Do vậy, những hậu quả ngoài ý muốn khi vi phạm các quy định trong việc xuất khẩu lao động của mỗi người không thể đổ lỗi cho chế độ, thay vào đó là phải xem xét nghiêm túc hành vi của mình, người thân mình.

Để được bảo hộ và đảm bảo an toàn, mỗi người dân khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần phải liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương, các công ty có chức năng xuất khẩu lao động.

Đồng thời, khi phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu trái pháp luật trong hoạt động xất khẩu lao động, cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng có liên quan để loại bỏ.

Những luận điệu “Cả vú lấp miệng em”

Nhân chi sơ, tính bản thiện, vụ việc 39 người thiệt mạng trong container tại Vương quốc Anh là mất mát to lớn, nỗi đau nặng nề cho gia đình những nạn nhân. Xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình những thân nhân xấu số. Bên cạnh đó, cần phê phán những kẻ cơ hội, chống đối lợi dụng sự việc và có cái nhìn phiến diện, quy chụp, xuyên tạc bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Trong số những đối tượng này, không ít kẻ ngày đêm sống nhờ bằng những đồng tiền bố thí, nhơ bẩn của các tổ chức phản động nước ngoài, thực hiện những hành vi “uốn lưỡi cú diều” để xuyên tạc sự thật, nói xấu chế độ, đất nước Việt Nam.

Việc các thế lực thù địch, phản động thường xuyên lợi dụng những sự kiện chính trị, xã hội được sự quan tâm của công chúng, coi đó là căn cứ để quy chụp, xuyên tạc, bóp méo sự thật, nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ ta với chiêu bài lặp đi, lặp lại trên không gia mạng không còn xa lạ thực chất chỉ là “cả vú lấp miệng em”, rất cần được nhận thức một cách đầy đủ và tỉnh táo.

Những cá nhân sử dụng mạng xã hội như blog, facebook cũng cần có cách nhìn đầy đủ, đúng nghĩa, đừng biến mình thành “con rối” a dua, hùa theo những quan điểm, luận điệu sai lệch, cổ suý cho kẻ địch chống phá đất nước.

Hồng Phú/Công An Nhân Dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.