NHẬN DIỆN MỘT SỐ THỦ ĐOẠN CHỐNG PHÁ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Thế giới nói chung và đất nước ta nói riêng đã bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của công nghệ và số hóa. Nắm bắt xu hướng ấy, các thế lực thù địch với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta cũng chuyển đổi phương thức hoạt động, tinh vi hơn. Đó là tập trung các hoạt động chống phá ta trên không gian mạng, nhất là trên các mạng xã hội, trong đó nổi lên một số thủ đoạn sau đây:

– Tung tin thất thiệt gây nhiễu loạn tư tưởng.  Xuất phát từ sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu, các thế lực thù địch quy kết rằng đó là sự sụp đổ của toàn bộ các nước xã hội chủ nghĩa xã hội. Vì thế, chúng rêu rao trên khắp các hội nhóm, trang cá nhân như các “nhà triết học thực sự” rằng học thuyết về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản của C.Mác – Lênin là ảo tưởng, sai lầm. Song song với đó, chúng đăng tải, chia sẻ những tin, bài, hình ảnh, video tuyên truyền, cổ súy văn hóa, lối sống hưởng lạc của phương Tây để kích thích sự ham muốn hưởng thụ của mọi người.

– Từ hiện tượng cá biệt quy kết thành bản chất. Đây là thủ đoạn vô cùng quen thuộc của các các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Chúng lợi dụng sự yếu kém, hạn chế, sai lầm của một bộ phận cán bộ do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ đó quy kết cán bộ, đảng viên đều xấu, đồng thời cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do một Đảng lãnh đạo.

Tổ chức thực hiện phát trực tiếp (Live stream) nhằm kêu gọi cộng đồng mạng bình luận trái chiều. Đây là thủ đoạn dùng các tài khoản mạng xã hội thông dụng như Facebook, Instagram, Tiktok, Youtube, Livestream, Bigo Live, Twitch để ghi, phát hình ảnh, video trực tiếp. Ban đầu, chúng phát các video clip mang tính giải trí để thu hút cộng đồng mạng, đến khi nước ta diễn ra các sự kiện lớn (các kỳ họp, ngày lễ, ngày kỷ niệm, nguyên thủ các nước đến thăm Việt Nam,…), chúng bắt đầu “đăng đàn” kêu gọi tham gia bình luận về một vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm. Chủ đề được chọn thường là các vấn đề bức xúc của người dân (môi trường, dân sinh, giải phóng mặt bằng, quan hệ ứng xử của cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, thực thi công vụ của các lực lượng chức năng,…). Trong các buổi phát trực tiếp ấy, chúng thường mời những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị đang ở nước ngoài để bày tỏ những quan điểm cá nhân có tính chất xuyên tạc, bôi đen, vu cáo về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta… để làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

– Lợi dụng “khoảng trống thông tin”, kích động sự hiếu kỳ của cộng đồng mạng. Đây là thủ đoạn lợi dụng đặc thù của báo, đài chính thống trong nước trước khi đưa tin phải tiếp cận thực tế, xác minh nguồn để đảm bảo sự chính xác của thông tin. Chưa kể, các báo, đài phải tính toán lợi ích của việc đưa tin, nên khoảng thời gian kể từ khi sự việc xảy ra đến lúc đưa tin sẽ có sự gián cách nhất định. Từ đặc điểm này, các thế lực trên bắt đầu phát tán ồ ạt các “kịch bản” mà chúng tự thêu dệt nên để hòng lấp vào những “khoảng trống thông tin” ấy. Đồng thời, chúng đặt tiêu đề mang tính “giật gân”, “câu khách”, nhưng nội dung thông tin trên các bài viết, hình ảnh, video lại dẫn dụ rồi bỏ ngỏ hoặc đặt câu hỏi để người đọc tự suy luận theo chiều hướng tiêu cực. Với những thông tin thật giả lẫn lộn và các chiêu trò dẫn dắt, các thế lực phản động đã không bỏ qua những cơ hội như vậy để gây hoang mang trong dư luận nói chung và cộng đồng mạng nói riêng.

Trên đây là những thủ đoạn chống phá nước ta được các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị sử dụng thường xuyên. Chung quy lại, các chiêu trò này đều có chung hai đặc điểm: Thứ nhất là lợi dụng lòng hiếu kỳ của cộng đồng mạng xã hội để tung ra những thông tin thật giá lẫn lộn; Thứ hai là dẫn dắt cộng đông suy luận theo kịch bản chúng hư cấu nên. Mục đích của chúng không ngoài gì khác là làm suy giảm lòng tin của nhân dân ta với Đảng và Nhà nước ta. Do vậy, chúng ta cần nhận diện rõ các thủ đoạn chống phá để có biện pháp, giải pháp ứng phó hiệu quả, góp phần làm trong sạch môi trường mạng, cũng như góp phần bảo đảm an toàn, an ninh mạng và trật tự an toàn xã hội.

(PĐ)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *