PHIM NGẮN TRÊN CÁC NỀN TẢNG MẠNG XÃ HỘI – TÁC PHẨM HAY “RÁC PHẨM”???
Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện tràn lan các video clip được gắn mác phim ngắn, phim cực ngắn được làm theo kiểu nghiệp dư, thời gian quay dựng nhanh với lượng diễn viên không nhiều, bối cảnh đơn giản, nội dung tập trung vào các chủ đề “SỐC – SEX – SẾN” nhưng lại thu hút lượng tương tác lớn từ người dùng mạng xã hội nói chung và đặc biệt là giới trẻ.
Xét trên phương diện tích cực, có thể nói phim ngắn trên các nền tảng mạng xã hội đã, đang và sẽ là xu thế giải trí, kinh doanh tất yếu, không ngừng nở rộ trong bối cảnh công nghệ thông tin không ngừng phát triển, len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Sự tiện lợi cả về mặt không gian và thời gian, không phải “canh giờ chờ phim” như phim truyền hình; cũng như tính đa dạng, cập nhật, khai thác mạnh các đề tài từ cuộc sống là những yếu tố quyết định đến sự phát triển của phim ngắn trên các nền tảng mạng xã hội.
Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện văn hóa, sự bùng nổ của phim ngắn trên các nền tảng mạng xã hội đã và đang gây ra không ít hệ lụy. Với mục đích câu view, các “tác phẩm” này thường dẫn dụ sự tò mò của người xem bằng cách giật tít, khai thác các chủ đề nhạy cảm: Mẹ chồng nàng dâu, tiểu tam, ngoại tình, chị dâu em chồng, bạo lực học đường, giang hồ – xã hội đen, sugar daddy – sugar baby… Đặc biệt để thu hút hơn, các “nhà sản xuất” chọn cách lạm dụng những cảnh bạo lực, gợi cảm, khiêu dâm, tình huống giật gân được đẩy lên cao trào, tình tiết trong phim bị làm quá lên, phi thực tế, lời thoại dung tục… không có giá trị về mặt diễn xuất, cốt truyện. Chèn nhiều quảng cáo, đặc biệt là về các chất kích thích, quảng cáo sai sự thật…
Có những phim chứa đựng những tình tiết sai phạm, xuyên tạc lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam, khiến các thế lực thù địch lợi dụng để cộng hưởng vào những luận điệu tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức, tâm lý khiến người xem, nhất là giới trẻ có cái nhìn lệch lạc, dễ bị thay đổi suy nghĩ theo hướng tiêu cực…
Mặc dù đã có nhiều chế tài, quy định xử phạt các nội dung phản cảm đăng tải trên nền tảng mạng xã hội như: Luật An ninh mạng; Luật Điện ảnh… Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy bấy nhiêu là chưa đủ – chưa đủ mạnh, thiếu sức răn đe; công tác quản lý vẫn mang tính chất “chạy theo vụ việc”, bởi những nội dung vi phạm, phản cảm đã tồn tại và phổ biến trên không gian mạng một thời gian, chỉ khi có sự phản ánh, lên tiếng mạnh mẽ của dư luận và công chúng thì cơ quan chức năng mới vào cuộc. Đây là hồi chuông cảnh báo các cơ quan quản lý cần cập nhật những xu hướng mới nhất, chủ động, sát sao phối hợp chặt chẽ với nhau để cộng tác, quản lý sản phẩm văn hóa trên không gian mạng hiệu quả, nếu không muốn những “rác phẩm” sẽ đem lại những hệ lụy khôn lường.
Đặc biệt, không có cơ quan kiểm duyệt nào bằng chính sự công nhận của khán giả. Vì vậy, khán giả cần có tiếng nói phản biện, lên án và tẩy chay các bộ phim nhảm, nhạt để các nhà sản xuất thay đổi tư duy, trả lại một môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, văn minh cho người dùng mạng xã hội./.
(TTYN)