THỰC HIỆN TIẾN BỘ VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI LÀ CHỦ TRƯƠNG XUYÊN SUỐT, NHẤT QUÁN CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Thời gian qua, lợi dụng một bộ phận người dân trong nước gặp khó khăn trong cuộc sống như chưa có nhà ở, việc làm, thu nhập không có hoặc không ổn định…, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã tung ra nhiều thông tin xuyên tạc, sai sự thật. Chúng vu cáo rằng chế độ độc đảng đã gây ra tồn tại bất công xã hội, người dân bị phân biệt, đối xử; chính quyền không quan tâm đến các đối tượng yếu thế; công bằng xã hội chỉ dành cho quan chức chứ không thuộc về “dân đen”… Đây rõ ràng là những luận điệu vô căn cứ nhằm kích động tâm lý hoài nghi về đường lối phát triển đất nước, về con đường đi lên CNXH của nước ta, nhất là đối với thế hệ trẻ. Từ đó, chúng hướng tới phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, làm suy giảm ý chí đồng lòng, quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, hướng tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đổi với Nhà nước và xã hội Việt Nam.

Chúng ta biết rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đây cũng là đường lối, chủ trương xuyên suốt của Đảng ta trong nhiều nhiệm kỳ qua. Tại Đại hội X, Đảng ta đã xác định: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục…, giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người”. Đến Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất XHCN; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường…”. Đồng thời, Đảng xác định: “Phát triển vì con người, tạo điều kiện cho mọi người, nhất là trẻ em, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, người di cư hòa nhập, tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện các chính sách dân tộc bình đẳng, đoàn kết, cùng phát triển”.

Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng nhấn mạnh: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội… Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường”.

Thực tế lịch sử đã chứng minh trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Việt Nam được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia điển hình về giảm nghèo đa chiều bền vững, đầu tư hiệu quả cho phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, việc làm, xây dựng môi trường sinh thái, cải thiện an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội, không những làm cho kinh tế phát triển mà còn bảo đảm thực hiện tốt công bằng xã hội. Những kết quả tích cực, toàn diện trên mọi mặt đời sống xã hội không chỉ khẳng định bản chất tốt đẹp, nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta nỗ lực xây dựng, mà còn là những minh chứng sinh động để đập tan các âm mưu, luận điệu xuyên tạc phủ nhận kết quả thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam.

QUỐC SÁCH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *