CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC GÓP PHẦN NÂNG CAO Ý THỨC, TRÁCH NHIỆM VÀ ĐẠO ĐỨC CÔNG VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Gần đây, trên trang mạng BBC tiếng Việt đã tán phát bài viết “Cán bộ sợ trách nhiệm: hệ quả của chiến dịch ‘đốt lò’?” có nội dung xuyên tạc rằng, các cán bộ, công chức và viên chức Việt Nam né tránh trách nhiệm và không dám ra quyết định vì sợ sai là hậu quả của chiến dịch chống tham nhũng, tiêu cực, hay còn gọi là chiến dịch “đốt lò” do cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo. Đây là luận điệu sau trái, suy diễn, phản ánh không đầy đủ, đúng bản chất tình hình thực hiện công vụ hiện nay của nước ta.

Cần khẳng định rằng, chiến dịch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của nước ta đã tạo ra một môi trường làm việc minh bạch, công bằng và nhất là đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị. Việc xử lý nghiêm minh các trường hợp tham nhũng, tiêu cực không chỉ răn đe những cá nhân sai phạm mà còn khích lệ các cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, trung thực và liêm chính.

Thực tế trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều quy định, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên yên tâm công tác, phát huy hết năng lực và sở trường của mình như: Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Nghị định số: 73/2023/NĐ-CP, ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung đã chứng minh sự cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho cán bộ phát huy hết khả năng và đảm bảo họ không phải sợ trách nhiệm khi làm việc vì lợi ích chung.

Về nhận định của các thế lực xấu khi cho rằng cán bộ, công chức và viên chức Việt Nam né tránh trách nhiệm và không dám ra quyết định phần lớn xuất phát từ một số trường hợp cá biệt. Những trường hợp này không phản ánh đúng tình hình chung của cả hệ thống. Do đó, việc tập trung vào một số trường hợp cá biệt để đưa ra nhận định chung về toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là thiếu công bằng và không khách quan. Chiến dịch chống tham nhũng, tiêu cực của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo ra một môi trường làm việc minh bạch, trách nhiệm và khuyến khích sự chủ động, sáng tạo. Hệ thống các văn bản pháp luật và chính sách đã được ban hành nhằm bảo vệ và khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Thực tế, nhiều cán bộ đã và đang làm việc tận tụy, trung thực và có trách nhiệm cao trong công việc của mình. Họ chính là những người đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Để xây dựng một nền hành chính công hiệu quả, minh bạch và công bằng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thường xuyên tự soi, tự sửa để điều chỉnh bản thân, không vướng vào tham nhũng, tiêu cực; đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta.

(HTH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *