Dự thảo văn kiện Đại hội XIII từng bị xuyên tạc trắng trợn
Tại Hội nghị Trung ương 14 (diễn ra tháng 12/2020) vừa qua, Ban Chấp hành TW Đảng đã thảo luận và thông qua lần cuối dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Dự thảo văn kiện gồm Báo cáo chính trị, Báo cáo về kinh tế-xã hội và báo cáo về xây dựng Đảng, trong đó Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm. Văn kiện và nhân sự là hai nội dung quan trọng nhất trong mỗi kỳ đại hội.
Dự thảo văn kiện Đại hội XIII được hình thành qua một quá trình chuẩn bị công phu với rất nhiều bước, nhiều công việc. Bản dự thảo đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, người Việt Nam ở nước ngoài là bản thảo thứ 22. Trước đó, Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên, các chuyên gia…cho hoàn thiện một bước và công bố rộng rãi để xin ý kiến của toàn dân.
Bản thảo này là kết quả của rất nhiều cuộc lấy ý kiến của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học. Trong quá trình hoàn thiện, việc đưa ra lấy ý kiến không chỉ mang ý nghĩa phát huy dân chủ trong nhân dân mà mong muốn lớn nhất là phát huy được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân. Mỗi lần lấy ý kiến là một lần các nội dung của văn kiện được nghiên cứu, tiếp cận, được góp ý từ nhiều phương diện khác nhau. Để đưa ra được dự thảo văn kiện lấy ý kiến nhân dân thời gian qua là một quá trình làm việc cực kỳ công phu với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia, với nhiều hội thảo, tọa đàm để có được nội dung tối ưu.
Việc thảo luận, lấy ý kiến nhân dân có vai trò hết sức quan trọng, không những góp phần nâng cao chất lượng dự thảo Văn kiện mà qua đó, thực hiện phương châm hướng đến “ý Đảng, lòng dân là một”.
Bất chấp thực tế đó, các thế lực thù địch, phản động không ngừng xuyên tạc về nội dung văn kiện, về quá trình lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo văn kiện.
Chúng xuyên tạc Văn kiện Đại hội XIII là sự “sao chép”, là biến tấu từ văn bản các đại hội trước, nội dung không có giá trị gì so với sự phát triển của đất nước mà ngược lại là nhân tố kìm hãm sự tiến bộ của dân tộc ta; văn kiện Đại hội XIII cũng chỉ là những vấn đề sáo rỗng, giáo điều, bảo thủ, khư khư ôm giữ chủ nghĩa Mác – Lênin để duy trì quyền lực của Đảng mà thôi… Từ đó, họ kích động các đối tượng cơ hội, bất mãn viết bài tung lên Internet, mạng xã hội, tạo dư luận đòi Việt Nam phải thay đổi toàn bộ “bộ khung” hiện nay, tức là thực hiện “đa nguyên”, “đa đảng”, “xã hội dân sự” và “đừng trông chờ vào Đại hội XIII của Đảng” không thể đưa đất nước đổi mới, phát triển. Chúng quy kết việc “xin góp ý từ nhân dân” là hình thức “mị dân”, thời gian lấy ý kiến quá ngắn, “việc lấy ý kiến là dân chủ giả hiệu”….
Không chỉ xuyên tạc nội dung, các thế lực thù địch còn dùng những luận điệu lập lờ để làm lung lay ý chí của những người có tâm huyết muốn đóng góp cho Văn kiện Đại hội Đảng. Chẳng hạn như luận điệu: Góp ý văn kiện Đại hội Đảng XIII, liệu có bị ở tù như ông Phạm Chí Dũng (Việt Nam Thời báo).
Trên thực tế, bị can Phạm Chí Dũng bị bắt vì hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, không liên quan đến Văn kiện Đảng.
Một số luồng chống phá dựa vào cách bắt bẻ câu từ, suy diễn chủ quan về những nội dung mới trong Văn kiện đại hội XIII. Cụ thể, khi Tiểu ban Văn kiện báo cáo Bộ Chính trị đưa vào dự thảo “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc”, các thế lực thù địch dựa vào đó đưa ra luận điệu: Nếu văn kiện đại hội tái đặt yêu cầu hạnh phúc thì thực sự mấy chục năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn loay hoay tìm lời giải hạnh phúc của nhân dân (Bài “Vì sao văn kiện kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII lại nhấn về “hạnh phúc”? – Việt Nam thời báo).
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, những trang chống phá chủ yếu hiện nay là BBC Tiếng Việt, RFA, VOA… Phương cách chống phá là lợi dụng không gian mạng, đưa ra các tài liệu sai sự thật, xuyên tạc, tổ chức các chương trình trực tuyến với sự tham gia của những người bất đồng chính kiến. Điển hình như các bài viết “Đại hội XIII: Đảng lấy ý kiến dân nhưng có thực muốn tiếp thu” – BBC Tiếng Việt; “Lấy ý kiến dân góp cho văn kiện Đại hội Đảng: Hình thức hay thực tâm?” – Đài RFA.
Trên trang của RFA còn đăng bài với tiêu đề: “Liệu dân có “dám” đóng góp ý kiến với Đảng?”. Bài viết này cho rằng, việc Đảng Cộng sản Việt Nam khai trương trang web kêu gọi nhân dân tham gia góp ý vào dự thảo văn kiện đại hội (VKĐH); các cơ quan báo chí chính thống đồng loạt mở chuyên mục góp ý vào dự thảo VKĐH XIII của Đảng, thực chất chỉ là một hình thức mị dân, bởi chắc chắn người dân Việt Nam sẽ không dám ý kiến, không có điều kiện nói thẳng, nói thật với Đảng
PGS.TS Phạm Văn Linh – Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, những cuộc góp ý mà ông tham dự được tổ chức rất công phu với nhiều ý kiến tâm huyết. Sự tâm huyết thể hiện ở nội dung các góp ý, ở thông tin, lập luận, hay các căn cứ khoa học; các ý kiến góp ý còn có cả kinh nghiệm lịch sử, có thông tin kiến thức mới đã được nghiền ngẫm rất kỹ lưỡng.
Sự tích cực đóng góp vào dự thảo VKĐH XIII còn được thể hiện rất rõ từ tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Dù làm ăn, sinh sống nơi xứ người, nhưng với tình yêu Tổ quốc, với trách nhiệm công dân, đông đảo người Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới đã tích cực đóng góp trí tuệ, trách nhiệm, kinh nghiệm vào dự thảo VKĐH XIII của Đảng thông qua các hội nghị do đại sứ quán các nước tổ chức.
Cố tình gây nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng để chống phá Đại hội Đảng lần thứ XIII, gây hoang mang dư luận, lôi kéo những người thiếu bản lĩnh, nhẹ dạ, cả tin hùa theo ý đồ chính trị đen tối, chống phá Đại hội XIII của Đảng… Mục tiêu cuối cùng của họ là phủ nhận, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với toàn xã hội.
Ngày 27/12 – ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, cũng là ngày quốc tế đầu tiên do Việt Nam đề xuất được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua. Nhờ đó cho thấy thực sự vị thế và uy tín của Việt Nam đã và đang được cộng đồng quốc tế công nhận.
Chính những thành tựu của Việt Nam trong thời gian qua đã khiến cho các thế lực thù địch trở nên “đuối lý” trong việc chống phá trên không gian mạng. Theo thống kê của Cục An ninh Chính trị Nội bộ (Bộ Công an), so với thời điểm cùng kỳ của Đại hội XII thì các hoạt động tuyên truyền chống phá đã giảm đáng kể./.